Mặc dù ti giả hay núm vú giả cho bé mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn thôi bú cho bé nhưng nếu sử dụng chúng lâu dài sẽ có những tác hại nhất định như làm tăng khả năng bị chứng rối loạn ngôn ngữ, phụ thuộc quá mức, v.v. Việc giúp trẻ từ bỏ ti giả là cần thiết và cần làm đúng cách.
Trong khi nhiều người hoàn toàn phản đối việc sử dụng ti giả, ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà chúng mang lại cho nhiều phụ huynh. Ngoài việc dễ dàng được thay thế nếu chúng bị mất hoặc hư hỏng, chúng còn giúp trẻ tự trấn an rất tốt.
Nhưng khi nào thì mẹ nên ngưng dùng ti giả cho bé, và làm cách nào để việc cai ti giả gây căng thẳng cho mẹ và bé?
Tham khảo: Vệ sinh răng miệng cho trẻ
Lợi ích và tác hại của việc sử dụng ti giả cho con
Lợi ích
- Hạn chế nguy cơ đột tử khi ngủ: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ti giả có thể tạo khoảng trống trước miệng và mũi, tránh nguy cơ quần áo, chăn màn phủ kín lên mũi, nên việc sử dụng ti giả sẽ giúp giảm nguy cơ ngạt thở khi ngủ cho con.
- Dễ ngủ: Ti giả có hình dạng giống ti mẹ, nên việc ngậm ti giả sẽ giúp con cảm thấy an toàn thoải mái, ít quấy khóc và dễ ngủ hơn. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi.
- Hạn chết thói quen mút tay: Ti giả thường xuyên được mẹ trần nước sôi, tất nhiên sẽ vệ sinh hơn ngón tay nhỏ xinh của bé rồi. Vì vậy, việc cho con sử dụng ti giả cũng hạn chế được thói quen mút tay xấu ở bé, giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con.
Tác hại
- Biếng ăn: Việc "quen hơi" với ti giả, sẽ làm con không quen lại với ti mẹ, dễ dẫn đến chứng biếng ăn.
- Ảnh hưởng phát triển răng: Ngậm ti giả lâu ngày có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng nướu của con, gây vẩu răng cửa hay làm cho hàm răng không khít. Bên cạnh đó, ngậm ti giả sẽ khiến con tiết nhiều nước bọt hơn nên thường có nhiều cao răng hơn.
- Đầy hơi: Ngậm ti giả có thể làm con vô tình hít nhiều không khí vào bụng dẫn đến đầy hơi ở trẻ.
Bé bao nhiêu tuổi là quá lớn để sử dụng ti giả?
Khi trẻ còn quá nhỏ, chúng chỉ ngậm ti giả để dễ ngủ hơn. Vậy lúc nào bé nên ngừng sử dụng núm vú giả? Theo các chuyên gia, khi trẻ từ 5-6 tháng tuổi trở lên là thời điểm tốt để bỏ dùng ti giả cho bé.
Thời điểm bỏ thói quen ngậm ti giả trễ nhất là khi trẻ hai tuổi. Đối với nhiều bà mẹ, việc từ bỏ này trở nên cần thiết khi trẻ thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tìm ti giả. Kết quả là các bà mẹ thường xuyên bị mất ngủ để giúp con mình tìm ti ngậm và dỗ bé ngủ lại.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Đại học Washington chỉ ra rằng việc sử dụng ti giả quá lâu có thể làm tăng khả năng trẻ mắc phải chứng rối loạn ngôn ngữ. Theo đó, trẻ trên 3 tuổi còn sử dụng ti giả hay mút ngón tay của mình có khả năng bị rối loạn ngôn ngữ nhiều gấp ba lần. Vì vậy, việc sử dụng ti giả cần được hạn chế và tránh việc dùng nó để ngăn trẻ nói chuyện.
Sử dụng ti giả dài hạn cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ miệng, do nó đẩy lưỡi ra phía trước giữa hai hàm răng và gây ảnh hưởng đến vị trí của các răng. Kết quả là khả năng ngôn ngữ của trẻ có thể bị hạn chế.
Tham khảo: Các giai đoạn phát triển của trẻ
Hướng dẫn cách cai ti giả cho bé
Để từ bỏ thói quen dùng ti giả của bé, trước hết, mẹ cần hạn chế thời điểm trẻ có thể sử dụng ti giả, mà lý tưởng nhất chỉ là lúc trẻ đi ngủ.
Việc giúp trẻ cai ti giả sẽ dễ hơn khi trẻ bắt đầu biết giao tiếp với mẹ, vì khi đó mẹ có thể giải thích cho trẻ vì sao trẻ không cần ti giả nữa, rằng một cậu bé hay cô bé lớn như chúng sẽ không cần phải sử dụng nó nữa. Một cách phổ biến là làm cho núm vú ít hấp dẫn với trẻ hơn bằng cách cắt một lỗ trên đầu núm.
Điều quan trọng là mẹ phải kiên quyết. Một chiến thuật tốt là giúp trẻ phân tâm bằng cách tìm một vật thay thế, ví dụ một tấm chăn mềm hoặc món đồ chơi ưa thích.
Mẹ cần kiên nhẫn và hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, không nên thực hiện việc từ bỏ ti giả khi gia đình mẹ đang có những thay đổi lớn như chuyển nhà hoặc có thêm một đứa con. Một số mẹo để giúp bé cai ti giả mà mẹ có thể tham khảo:
- Làm hỏng ti giả: Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất. Mẹ có thể cắt hỏng ti giả và tâm sự với con ti đã hỏng, con không thể sử dụng chúng được nữa. Lưu ý: mẹ tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng lại ti giả đã cắt xén vì rất dễ gây hóc khi con nhai ti giả và nuốt phải những mảnh vụn, mẹ nhé.
- Làm "mất" ti giả: Mẹ có thể "cách li" ti giả ra khỏi tầm mắt của con bằng cách giấu chúng đi hoặc để ở một nơi cả con và mẹ đều không thể nhìn thấy hay với tới.
- Thu hẹp dần thời gian bé có thể ngậm ti: Theo pregnancy birth & baby, những lúc con ngủ, hoặc đang mải chơi đồ chơi, mẹ có thể ngưng cho con sử dụng ti giả. Bên cạnh đó, mẹ có thể làm lơ một vài lần con đòi ti giả, để con dần quen với số lần sử dụng ít đi.
- Hình thành thói quen mới: Mẹ có thể "đánh lạc hướng" con bằng cách thu hút sự chú ý của con bằng những đồ chơi mới, bắt mắt và đa dạng hơn. Mẹ cũng có thể đưa con ra ngoài hoạt động thể chất nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ nên hạn chế số lần "đánh lạc hướng" của con bằng các món ăn vặt, mẹ nhé!
- Tâm sự cùng con: Mẹ có thể trò chuyện và động viên con bằng các phiếu thành tích nếu con dần sử dụng ti giả ít đi, hoặc cho con xem những tác hại của việc ngậm ti giả trong thời gian dài và giải thích cặn kẽ cho con hiểu.
- Dùng biện pháp “mạnh”: Phương pháp này không dành cho những mẹ "yếu tim", nhưng đây là cách nhanh nhất để đạt được kết quả. Mẹ cần dứt khoát trước những lần bé xin ti giả và nhất quyết không đưa cho bé đến khi con chấp nhận được thói quen mới này.
Tham khảo: Làm sao để trẻ ngủ ngon giấc?
Sau khi cai ti giả
Một bà mẹ chia sẻ rằng cô đã phải chịu đựng ba đêm liền khi bé gắt gỏng khó chịu vì không có ti giả nữa. Cô giúp con bằng cách trấn an và vỗ về cho đến khi bé ngủ thẳng một giấc qua đêm.
Một khi đã cân nhắc cẩn thận việc loại bỏ ti giả, điều quan trọng là phải kiên trì làm theo các bước đã đề ra một khi mẹ đã quyết định sẽ loại bỏ nó.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất là chỉ thực hiện việc từ bỏ tại thời điểm phù hợp nhất cho mẹ và cho trẻ, giúp quá trình chuyển đổi ít căng thẳng nhất cho gia đình.
Để biết thêm thông tin, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé cũng như gửi câu hỏi về Góc chuyên gia Huggies để được tư vấn thêm về kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.