Tập ăn dặm cho bé là một giai đoạn thú vị. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt, mẹ sẽ có thể căng thẳng khi bé không chịu ăn.
Tham khảo: Cho bé ăn dặm như thế nào
Giai đoạn mới tập ăn dặm cho bé có thể sẽ làm mẹ mất kiên nhẫn và nó đòi hỏi nhiều kỹ năng. Đối với những người lần đầu làm mẹ, tưởng tượng đến cảnh bé ăn dặm sẽ có thể làm mẹ lo lắng. Ai cũng đã từng nghe về chuyện bé bị nghẹn quả nho. Và quả nho đúng là một trong những thực phẩm dễ gây nghẹn mà mẹ cần lưu ý.
Nhưng thực ra cho bé ăn dặm cũng là khoảng thời gian rất vui cho cả mẹ và bé. Khi thời gian qua đi, mẹ sẽ thấy hạnh phúc khi cục cưng bé bỏng của mẹ có thể tự cầm thức ăn và nuốt được chút ít.
Vậy làm thế nào để mẹ vượt qua giai đoạn này một cách vui vẻ? Làm sao để chuyển từ thức ăn lỏng sang đặc? Mẹ đừng lo lắng. Sau đây là một số cách giúp mẹ làm thử cũng như chuẩn bị thói quen ăn uống lành mạnh cho bé.
Khi nào bắt đầu thức ăn đặc?
Bé của mẹ nên ăn thức ăn đặc vào lúc bé đủ 9 tháng. Thức ăn đặc rất quan trọng cho sự phát triển thói quen ăn uống của bé. Mẹ đừng để bé ăn thức ăn mềm quá lâu vì sau đó mẹ tập lại rất khó.
Đây cũng là lúc tốt nhất cho bé ăn bốc, mặc dù có những bé ăn bốc từ sớm hơn. Mẹ nên nhớ sách hướng dẫn tốt nhất chính là con. Bởi vì một số bé sẽ không chịu ăn trừ khi bé được tự ăn. Lúc đó chiếc muỗng sẽ trở nên dư thừa. Mẹ hãy quan sát và lắng nghe hành vi của con, và hãy để bé được thoải mái ăn bốc tự nhiên.
Bé cũng bắt đầu thể hiện những gì mình thích và không thích. Mẹ nên cho bé thử nhiều loại thức ăn khác nhau, thậm chí những thức ăn mà trước đây bé đã từng chê. Bởi vì bé không chịu ăn hôm nay không có nghĩa là ngày mai bé cũng không ăn. Mẹ cứ xoay vòng các món như rau củ, trái cây, bánh mì, ngũ cốc, bánh, mì.v.v để làm cho chế độ ăn của bé phong phú và đủ chất hơn. Đây cũng là cách giúp bé được trải nghiệm các mùi vị khác nhau, tạo sự thích thú trong thói quen ăn uống của bé.
Một số lưu ý khi cho bé ăn dặm
Bé của mẹ nên ăn thức ăn đặc vào lúc bé đủ 9 tháng. Thức ăn đặc rất quan trọng cho sự phát triển thói quen ăn uống của bé. Mẹ đừng để bé ăn thức ăn mềm quá lâu vì sau đó mẹ tập lại rất khó.
Trong quá trình tập ăn dặm cho trẻ nhỏ, mẹ nên lưu ý đến một số điều dưới đây:
- Nấu chín, nghiền nhỏ thức ăn: Với những bé trong độ 6 - 8 tháng tuổi đầu, các bé đều chưa có phản xạ nhai. Do đó, để tránh rủi ro con bị hóc thức ăn, mẹ nên nấu thật chín, rục và nghiền nhỏ thức ăn cho con. Đối với bé 10 - 12 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho con tập ăn các thức ăn mềm, nấu nhuyễn để kích thích nướu mọc.
- Quan sát kỹ khi bé ăn: 90% trẻ bị nghẹn xảy ra lúc nhũ nhi và dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ chưa thành thạo trong việc dùng răng để nhai và nghiềm thức ăn, nên đa số các bé thường nuốt chửng khi ăn. Mẹ cần lưu ý nghiền hỏ thức ăn cũng như tránh các loại thức ăn cứng, nhỏ dạng hạt dễ gây nghẹn như kẹo, các loại hạt, nho,...
- Phối hợp các loại thức ăn với nhau: Việc này sẽ giúp con không cảm thấy nhàm chán và được cân đối các nhóm chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể.
- Ăn đúng giờ: Thói quen ăn uống đúng giờ sẽ giúp cho dạ dày con làm quen với thức ăn, đồng thời giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Vì vậy, cứ đúng "thời gian biểu", mẹ hãy cho con ngồi vào bàn ăn nhé.
- Không nêm gia vị: Mẹ chỉ nên thêm một ít dầu oliu, chấm đầu đũa muối iod hoặc nước mắm vào thức ăn cho con là được.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm: Vì dạ dày của con còn đang phát triển và vẫn rất non nớt, nên mẹ cần chú ý chọn mua những loại thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc khi nấu cho con ăn, mẹ nhé. Trước quá trình chế biến, mẹ cũng nên rửa tay sạch sẽ. Trước khi ăn, mẹ cũng có thể cùng bé thực hiện việc rửa tay một lần nữa. Và mẹ ơi, mẹ nhớ tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi để tránh tình trạng tiêu chảy cho con, mẹ nhé.
- Tác nhân dị ứng, phỏng: Bên cạnh việc đảm bảo dinh dưỡng, mẹ cũng nên chú ý các thực phẩm con có thể bị dị ứng như: hải sản, mật ong,... Và mẹ đừng cho con sử dụng các thực phẩm quá nóng, gây bỏng rát lưỡi, khó chịu cho con, mẹ nhé.
- Tạo hứng thú khi ăn: Mẹ có thể:
- Chọn các loại chén, muỗng, yếm,… có hình thù ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc để gây sự chú ý cho con.
- Cho con ngồi chung bàn với gia đình để con ý thức được đây là giờ ăn. Không khí gia đình cũng sẽ tạo cảm giác đông vui, kích thích con ăn ngon miệng hơn.
- Không ép con ăn hết.
- Giữ cho con tập trung vào việc ăn uống, tránh xao nhãng.
- Sử dụng sữa bổ sung: Mẹ vẫn nên cho con uống sữa đủ cữ. Vì trong giai đoạn này, sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng và sức đề kháng tốt nhất cho sức khỏe con đấy mẹ ơi.
Cách để tập cho bé ăn dặm an toàn
Hiện nay có các loại túi lưới cho bé tự ăn. Đó là những túi lưới dạng plastic giúp giữ thức ăn cho bé nhai từ từ. Vừa giúp giảm ngứa răng vừa an toàn cho bé ăn bốc rau củ, trái cây hoặc các loại thức ăn khác.
Bừa bộn nhưng vui
Những trải nghiệm với đồ ăn bao giờ cũng vui vẻ dù là hơi bừa bộn 1 chút. Mẹ nên chuẩn bị ghế cao cho bé, đồng thời lót báo hoặc tấm trải dưới ghế. Khi bé ăn xong mẹ sẽ dọn rất nhanh. Mẹ cũng nên để sẵn khăn tay hoặc khăn giấy ướt để lau tay bé khi bé vừa ăn xong, tránh để bé làm dơ xung quanh. Và nên để bé đeo yếm màu mè 1 chút thì sẽ ít thấy yếm dơ.
Tham khảo: Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và Phương pháp ăn dặm BLW
Chuẩn bị đồ ăn đem đi
Khi bạn và bé phải đi ra ngoài và cần chuẩn bị đồ ăn đem theo, bạn nhớ đảm bảo cho bé ít nhất 3 bữa ăn/ngày nhé.
- Trái cây tươi như dưa hấu, dưa lưới, xoài, bơ, chuối, kiwi, lê.
- Các loại rau củ và trái cây cứng thì có thế hấp hoặc mài nhỏ: cà rốt, khoai lang dưa leo, củ cải, bí đỏ, bông cải hoặc broccoli.
- Phô mai mài sợi
- Bánh mì nướng bẻ nhỏ
- Thức ăn tự nấu không nêm đường-muối
- Bánh mì mềm
- Yaourt: loại không đường có thể cho thêm trái cây.
Mẹ có thể hấp và cắt nhỏ rau củ, trái cây, mì… rồi cho vào các hộp đựng nhỏ rồi để ngăn đông. Mỗi khi đi đâu chỉ cần lấy vài hộp đem theo. Chúng sẽ tươi mát đến khi bé bắt đầu ăn.
Tham khảo: Các món ăn dinh dưỡng cho bé
Bên cạnh đó, mẹ có thể chuẩn bị thêm một ít thức ăn nhẹ cho bé giúp nạp năng lượng để hoạt động liên tục trong ngày:
- Trái cây và rau củ
- Cà rốt hấp, cắt dạng que
- Bơ
- Nho cắt múi cau
- Kiwi cắt múi
- Táo cắt lát
- Táo cho vào túi lưới
- Chuối
- Các loại mứt trái cây khô
- Bánh mì, ngũ cốc
- Phô mai
- Bánh bích qui các loại
- Bánh mì nướng rồi cắt lát.
- Bánh bông lan nướng
Tham khảo: Thức ăn nhẹ dinh dưỡng cho bé
Khuyến khích bé ăn uống lành mạnh
Mỗi bé đều có khẩu vị riêng nhưng chúng ta có nhiều cách để tạo ảnh hưởng lên khẩu vị của bé. Nếu cho bé sớm tiếp xúc với nhiều loại thức ăn sẽ có lợi cho cách ăn uống của bé. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng việc ăn uống của bé như tivi, văn hoá, tôn giáo, sách vở, bạn bè và cấu trúc gia đình.
Nhưng yếu tố ảnh hưởng đến bé nhiều nhất chính là mẹ. Thái độ của ba mẹ đối với thức ăn và bữa ăn cùng với những thức ăn mẹ chuẩn bị cho bé sẽ giúp bé hình thành thói quen ăn uống từ rất sớm.
Nghe có vẻ khó, nhưng mẹ nên cố gắng làm chủ tình huống: mẹ sắp đặt bữa ăn nhưng hãy để bé quyết định ăn gì. Cho bé ăn các món lành mạnh và đừng mua quà vặt để ở nhà thì mọi thứ sẽ theo ý mẹ.
Cách làm bữa ăn của bé thành công
- Bạn nên kiên định giải quyết khi bé bỏ thức ăn, ví dụ: dọn dẹp ngay, cho thức ăn mới nếu còn
- Cho bé ăn món mới có loại thức ăn bé thích để tránh tình trạng bé bỏ bữa.
- Làm đẹp bữa ăn của bé để bé thấy hứng thú. Ví dụ: làm bữa ăn có hình mặt cười
- Dạy bé từ từ cách chuẩn bị bữa ăn cho an toàn
- Một số bé cần thời gian để chấp nhận thức ăn mới
- Cố gắng đừng thúc ép bé ăn, la mắng bé hay phạt bé.
- Bé sẽ ăn hào hứng nhất khi bé không mệt cũng như bữa ăn dọn ra đúng giờ và đều đặn.
- Mẹ có thể ăn chung để bé bắt chước đồng thời khuyến khích bé ăn thức ăn lành mạnh.
- Tránh cho bé ăn quà vặt không dinh dưỡng.
- Tránh cho bé uống nước trái cây hoặc sữa gần bữa ăn, bé có thể cảm thấy no và bỏ ăn.
- Mẹ nên nhớ, trẻ em sẽ ăn khi đói và việc bé kén ăn tạm thời là rất bình thường.
- Tránh để bé phân tâm, như vừa ăn vừa xem tivi.
- Làm bé tập trung ăn bằng cách vừa ăn vừa nói chuyện hoặc chọc ghẹo bé.
- Thường xuyên cho bé ăn bốc sẽ giúp bé tự lập, thậm chí cho bé tự cắt đồ ăn dưới sự giám sát của mẹ.
- Cho bé nhiều sự lựa chọn món ăn để hấp dẫn bé.
- Luôn cố gắng khen và phản hồi tích cực với bé.
Tập cho bé ăn dặm là cả một quá trình phấn đấu của mẹ và bé. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển về thể chất của bé, các bữa ăn cũng luyện tập khả năng vận động tinh như kỹ năng cầm nắm đồ ăn, kỹ năng sử dụng các ngón tay và bàn tay một cách khéo léo,...Vì thế, mẹ hãy để bé thoải mái tìm hiểu và vui đùa trong những bữa ăn, dưới sự quan sát của mẹ để luôn đảm bảo sự an toàn cho bé nhé.
Nếu mẹ còn những thắc mắc về quá trình cho bé ăn dặm cũng như về quá trình phát triển của con, hãy gửi về Góc Chuyên Gia Huggies để được các bác sĩ giải đáp.
Thông tin được cung cấp bởi Leanne Cooper – nhà dinh dưỡng học và là mẹ của 2 bé trai hiếu động.