Tưởng chừng đơn giản, nhưng ăn dặm kiểu Nhật đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị cũng như sự kiên nhẫn của mẹ. Phương pháp này có thực sự khó đến vậy? Làm sao để cho bé ăn dặm kiểu Nhật đúng cách?
Ăn dặm kiểu Nhật: Vì sao lại khó?
Trong giai đoạn đầu, ăn dặm kiểu Nhật chủ yếu giúp trẻ làm quen với mùi vị của các loại thực phẩm khác nhau. Thưc đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé cần theo chuẩn “vàng – đỏ - xanh” để đảm bảo đáp ứng đủ 3 nhóm thực phẩm: Tinh bột, đạm và vitamin. Đồng thời, mẹ cũng cần thay đổi các món ăn thường xuyên để bé quen dần với nhiều loại thực phẩm.
Để chuẩn bị bữa ăn cho bé “đúng chuẩn” ăn dặm kiểu Nhật, mẹ phải sắm thêm nhiều đồ dùng ăn dặm cho bé như ghế ăn dặm, dụng cụ chế biến… Ngoài ra, công đoạn chế biến và bảo quản thực phẩm cũng tiêu tốn của mẹ khá nhiều thời gian.
Rất nhiều mẹ thất bại khi cho con ăn dặm kiểu Nhật
Sự kiên nhẫn của mẹ và gia đình cũng là một điểm khó khăn khác khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật. Không quá chú trọng vào lượng thức ăn bé “nạp” vào mỗi ngày, ăn dặm kiểu Nhật chỉ đơn thuần giúp trẻ cảm thấy thích thú việc ăn uống. Bé ăn dặm theo phương pháp này thường chỉ “roi roi”. Điều này làm nhiều mẹ cũng như nội ngoại hai bên gia đình cảm thấy sốt ruột khi bé chậm tăng cân, hoặc ăn ít hơn so với các bé cùng tuổi. Vậy là chỉ sau một thời gian, đâu vẫn hoàn đấy. Mẹ quay về với kiểu “dụ con ăn” đến cùng và chiều theo đủ mọi yêu cầu để con ăn nhiều, dẫn đến ăn dặm thất bại.
Chuẩn bị cho bé ăn dặm kiểu Nhật như thế nào?
1. Khi nào nên cho bé ăn dặm?
Một số mẹ ở Nhật đã bắt đầu cho bé ăn dặm từ tháng thứ 4 với cháo loãng theo tỷ lệ 1:10 và bé chỉ ăn 1 bữa/ngày. Bởi trong giai đoạn này, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho sự phát triển của trẻ. Ăn dặm chỉ giúp bé làm quen với mùi vị thức ăn, đồng thời giúp trẻ phát triển vị giác của mình.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi được 6 tháng tuổi. Theo các chuyên gia, lúc này trẻ đã phát triển hoàn chỉnh hệ tiêu hóa nên có thể hấp thụ các loại thực phẩm khác nhau tốt hơn.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các mẹ chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi
Ngoài ra, việc ăn dặm cũng có thể bắt đầu khi trẻ có các dấu hiệu sau:
- Bé có thể tự ngồi và giữ thăng bằng đầu
- Bé có phản xạ há miệng khi mẹ đưa muỗng vào miệng
- Bé có biểu hiện thích thú với thức ăn của mẹ
- Nhu cầu bú sữa của bé tăng lên. Bé nhanh đói giữa các cữ bú.
2. Những nguyên tắc cần nhớ khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Giống như các phương pháp ăn dặm khác, ăn dặm kiểu Nhật cũng cần có những nguyên tắc riêng mẹ cần tuân thủ. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mẹ cần ghi nhớ!
- Cho bé ăn từ lỏng đến đặc: Khi mới bắt đầu, mẹ chỉ nên cho bé ăn cháo loãng nấu theo tỷ lệ 10gr gạo và 100ml nước. Sau khi bé quen dần với việc ăn và nuốt thức ăn dạng lỏng, mẹ có thể tiếp tục thực đơn ăn dặm của bé với một số loại rau quả dễ tiêu hóa đã được hấp chín và rây mịn như bí đỏ, cà rốt, khoai tây hay bơ, chuối chín…
- Cho bé ăn riêng biệt từng loại thực phẩm: Để bé có thể làm quen với từng loại mùi vị khác nhau, mẹ không nên trộn lẫn các loại thực phẩm với nhau. Cách này cũng giúp mẹ dễ nhận biết khẩu vị của trẻ.
- Chọn cách phù hợp nhất với trẻ: Mỗi trẻ sẽ có cột mốc phát triển khác nhau. Vì vậy, mẹ nên tránh việc so sánh cục cưng của mình với những bé khác. Thay vào đó, hãy cố gắng điều chỉnh thực đơn ăn dặm sao cho phù hợp nhất với bé nhà mình.
Ăn dặm kiểu Nhật không quá khó nhưng có những quy tắc đặc biệt cần phải tuân thủ để cho bé ăn dặm đúng cách. Vì vậy, trước khi tập cho con ăn dặm, mẹ nên tìm hiểu kỹ. Tránh trường hợp sau khi bắt đầu mới cảm thấy không phù hợp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Huggies sẽ cùng chuyên gia dinh dưỡng của chúng tôi luôn sẵn sàng trợ giúp bạn.
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo thêm Thông tin và Thực đơn cho bé ăn dặm để bổ sung các kiến thức cần thiết về ăn dặm cho bé. Huggies chúc bé yêu của mẹ ăn ngoan chóng lớn !