Bài viết này đã được thông qua tham vấn y khoa từ bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh, chuyên ngành Nội Nhi, bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trẻ sơ sinh lười ăn là nỗi lo lớn của rất nhiều mẹ. Phải làm sao trong nếu gặp phải tình huống này? Chuyên gia Huggies mách mẹ nguyên nhân cũng như cách khắc phục hiệu quả tình trạng này, mẹ tham khảo ngay nhé!
Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn, lười ăn
Trẻ được xem là lười ăn khi có những biểu hiện dưới đây:
- Bữa ăn thường kéo dài hơn 30 phút hoặc bé không chịu ăn hết khẩu phần.
- Bé ăn ít hơn 1⁄2 khẩu phần theo tuổi.
- Ngậm lâu và không chịu nuốt thức ăn trong miệng.
- Trẻ từ chối không ăn, khóc lóc hoặc chạy trốn khi thấy thức ăn.
- Khi nhìn thấy thức ăn, trẻ có phản ứng buồn nôn.
- Trẻ không tăng cân trong 3 tháng liền.
Trẻ lười ăn thường có biểu hiện khóc lóc, chạy trốn khi thấy đồ ăn,... (Nguồn: Sưu tầm)
Giải mã nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh biếng ăn
Trẻ sơ sinh biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những nguyên nhân sau, mẹ lưu ý nhé!
Trẻ sơ sinh bú ít do sữa có vị lạ
Nếu mẹ “lỡ” ăn thực phẩm cay, nóng hoặc có gia vị nồng, mùi vị sữa cũng sẽ thay đổi theo. Bé sơ sinh rất nhạy cảm và sự thay đổi mùi vị này có thể khiến bé lười bú mẹ hơn. Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu mẹ đột nhiên thay đổi loại sữa con đang uống.
Biếng ăn do bệnh lý
- Giống như người lớn chán ăn khi cảm thấy không khỏe, bé cưng cũng sẽ biếng ăn hơn khi mệt mỏi đó mẹ ơi. Không chỉ các bệnh về đường ruột hay tình trạng viêm họng, sổ mũi, viêm phế quản,… bé cũng lười ăn hơn khi mọc răng, bị viêm loét lưỡi, miệng hay sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, vitamin A và D quá nhiều.
- Nếu còn đang bú mẹ, bé cũng có thể lười ăn do ho và nghẹt mũi. Vì bé không thể thở được bằng mũi mà phải dùng miệng nên chỉ bú được nhưng hơi ngắn rồi phải nghỉ. Đôi khi việc này sẽ làm trẻ khó chịu và trở nên lười bú hơn.
- Bé gặp khó khăn khi nhai và nuốt: Khi bé bị viêm amidan, nấm lưỡi, mọc răng, áp xe lợi hoặc viêm tuyến nước bọt nên trẻ rất ngại nhai, nuốt dẫn đến tình trạng lười ăn.
- Rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ, tiêu chảy hay táo bón,... đều khiến trẻ lười ăn và chậm lớn. Đây là dấu hiệu của tình trạng loạn khuẩn đường ruột hoặc rối loạn co bóp và tiết dịch trong dạ dày.
- Nhiễm trùng: So với người lớn thì hệ miễn dịch của trẻ em rất non nớt nên chưa có nhiều cơ chế bảo vệ trước những tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Chính vì vậy, bé dễ mệt mỏi, bị ho, sốt,... do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, hàm lượng vitamin và các khoáng chất bị mất đi rất lớn, đặc biệt là các loại vitamin A, B, C, sắt, kẽm, magie,... khiến trẻ chán ăn hoặc lười ăn. Ngoài ra, các trẻ bị nhiễm khuẩn thường sử dụng kháng sinh thường dẫn đến loạn khuẩn đường ruột gây chướng bụng, khó tiêu và chán ăn.
- Nhiễm ký sinh trùng: Trẻ bị nhiễm giun, sán cũng có thể gây ra tình trạng biếng ăn.
Biếng ăn do tâm sinh lý
- Do thiếu chất từ khi là bào thai: Khi mang thai người mẹ bị thiếu các chất như kẽm, canxi, sắt, các loại vitamin,... khiến thai nhi bị thiếu chất và suy dinh dưỡng. Do đó, trẻ sinh non tháng, lười bú mẹ trong những tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, cũng có những trẻ sinh đủ ngày, đủ cân lười bú mẹ, bỏ bú hoặc khi đang bú sữa công thức bình thường đột nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn.
- Do thay đổi sinh lý: Khi trẻ bước vào các giai đoạn như biết ngồi, biết lật, biết bò, mọc răng, biết đi, học nói,... thường hay biếng ăn. Đôi khi trẻ khỏe mạnh cũng có những giai đoạn ăn ít hẳn trong vài ngày hoặc vài tuần nhưng vẫn vui chơi bình thường. Đây được xem là giai đoạn trẻ mê khám phá khả năng của cơ thể và luyện tập những kỹ năng mới nên không chú tâm tới việc ăn uống. Tình trạng lười ăn thường gặp ở trẻ 3 – 4 tháng tuổi, 9 - 12 tháng tuổi, 16 – 18 tháng tuổi,... Qua những giai đoạn này, trẻ sẽ quay lại ăn uống như bình thường.
- Mẹ có để ý rằng, cục cưng sẽ có xu hướng biếng ăn hơn vào những giai đoạn phát triển quan trọng? Theo các chuyên gia Nhi khoa, trong các thời điểm bé biết lật, ngồi, đứng hoặc tập đi,… trẻ cũng có thể biếng ăn. Khi đột ngột thay đổi môi trường, giờ ăn, nơi ăn, bé cũng có thể trở nên lười ăn hơn. Mẹ lưu ý nhé!
Chế độ ăn mất căn bằng
Mẹ ăn mãi một món sẽ bị ngán, và bé con cũng vậy. Thực đơn kém phong phú, ít thay đổi món và hương vị cũng có thể làm bé chán ăn. Ngoài ra, nếu bé đã ăn quá nhiều trong bữa trưa, việc bé ăn ít hơn trong bữa chiều, hoặc bữa tối cũng là điều dễ hiểu mà, đúng không mẹ ơi?
Mẹ cũng lưu ý khi chế biến khẩu phần ăn cho con nhé! Vì biếng ăn cũng có thể do cơ thể thiếu hụt dưỡng chất quan trọng như Vitamin A, B, C và các vi khoáng như kẽm, đồng, sắt,… nữa đó.
Thực đơn kém phong phú có thể khiến bé biếng ăn (Nguồn: Sưu tầm)
Mách mẹ cách khắc phục hiệu quả tình trạng trẻ biếng ăn
Thay vì tìm mua và cho bé dùng các loại thuốc bổ, thuốc kích thích ăn uống, mẹ nên thử những cách sau để giúp con ăn uống điều độ hơn.
- Trước khi cho bé bú ít nhất 2 tiếng, mẹ không nên ăn những thực phẩm có mùi nồng như tỏi, hoặc thực phẩm cay nóng đâu nhé!
- Mẹ có thể thử nhiều cách chế biến món ăn khác nhau, thay đổi loại thực phẩm, hương vị để giúp bé ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, các mẹ có thể “biến hóa” món ăn trông hấp dẫn hơn để khi bé nhìn thấy sẽ muốn ăn ngay lập tức.
- Cố gắng tạo cho bé cảm giác hứng thú, không khí thoải mái, vui vẻ với bữa ăn bằng cách cùng bé vào bếp chuẩn bị thức ăn hoặc ăn cùng bé. Cũng khá đơn giản mẹ nhỉ?
- Nếu bé có vấn đề về tiêu hóa, mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua, sữa, nước hoa quả, sinh tố,… để giúp bé con tăng sức đề kháng cũng như cải thiện tiêu hóa.
- Theo dõi quá trình phát triển của bé yêu theo từng giai đoạn sẽ giúp mẹ dễ dàng nắm bắt tâm sinh lý của trẻ mà có chế độ ăn uống hợp lý hơn.
>> Tham khảo thêm: Gợi ý cho mẹ thực đơn cho trẻ biếng ăn
Trường hợp bé biếng ăn mẹ nên đưa đi khám bác sĩ
Nếu trong vòng 48 giờ, trẻ sơ sinh không chịu bú, bố mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân để có cách xử trí phù hợp. Ngoài ra, nếu bé nhà bạn có những biểu hiện dưới đây thì mẹ cũng nên đưa bé đến những cơ sở y tế uy tín để thăm khám:
- Trẻ bị sốt cao.
- Bị nghẹt mũi, thở khò khè.
- Trẻ quấy khóc hay ngủ không yên giấc.
Một số câu hỏi thường gặp khi trẻ lười ăn
Lười ăn có di truyền hay không?
Theo một số nghiên cứu chứng minh rằng, các bé biếng ăn đều liên quan đến các vấn đề về hành vi tâm lý, xã hội và tương tác giữa bố mẹ cùng các bé. Bố mẹ cho em bé ăn những món yêu thích mọi lúc, la mắng, đánh lạc hướng, trừng phạt,... có thể hiệu quả trong vài ngày nhưng không phải là giải pháp lâu dài. Mẹ cần làm cho trẻ hiểu rằng, ăn uống là một thói quen cần thiết và hãy kiên nhẫn với em bé hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ nhi khoa.
Trẻ biếng ăn ở những giai đoạn nào?
Biếng ăn sinh lý của trẻ có thể phân chia thành các giai đoạn như sau:
- 3 - 4 tháng tuổi: Thời điểm này, trẻ bắt đầu ngóc đầu, tập lẫy, quan sát. Một số trẻ bắt đầu khám phá xung quanh và trở nên lười bú.
- 6 - 9 tháng tuổi: Đây là giai đoạn các bé chuyển sang một chế độ ăn mới, tập ăn dặm. Làm quen với các loại thực phẩm mới, ít bé sẽ lười ăn. Mẹ nên thay đổi thực phẩm đa dạng để kích thích bé ăn uống.
- 9 - 10 tháng tuổi: Giai đoạn này, trẻ bắt đầu tập bò, tập đứng và tập đi nên các bữa ăn hàng ngày sẽ không còn hấp dẫn, kích thích bé như trước nữa. Đây cũng là khoảng thời gian trẻ bắt đầu mọc răng khiến trẻ bị sốt, sưng đau gây mệt mỏi, khó chịu và dẫn đến tình trạng biếng ăn.
- 2 - 3 tuổi: Đây là lúc trẻ đã bắt đầu đi nhà trẻ nên việc thay đổi môi trường sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống tác động không nhỏ đến tâm lý của trẻ khiến chúng dễ bị biếng ăn.
Biếng ăn ở trẻ sơ sinh được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau(Nguồn: Sưu tầm)
Thay vì cảm thấy hoang mang khi trẻ sơ sinh lười ăn, mẹ nên bình tĩnh. Chủ động tìm hiểu nguyên nhân và nhớ luôn theo dõi quá trình thay đổi, phát triển của trẻ để có những giải pháp cụ thể, hiệu quả, mẹ nhé! Ngoài ra, để hiểu rõ về quá trình phát triển và sức khỏe cũng như cách giải quyết vấn đề mà bé yêu đang gặp phải, mẹ có thể tham khảo và theo dõi chuyên mục Chăm sóc bé của Huggies.