Nhiều mẹ bầu bị khó thở khi mang thai, nhưng không phải tất cả trường hợp khó thở khi mang thai đều đáng lo. Chỉ những trường hợp khó thở đi kèm các dấu hiệu bất thường thì mẹ bầu mới cần đến bệnh viện kiểm tra. Vậy, đâu là biểu hiện bình thường, đâu là lúc cần phải được sự tư vấn của bác sĩ? Cùng Huggies tìm hiểu mẹ nhé!
Tham khảo: Mệt mỏi khi mang thai
Khi nào bà bầu thấy khó thở khi mang thai?
Khó thở khi mang thai có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Nhiều mẹ có thể bắt đầu có cảm giác khó thở vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mẹ bầu bị khó thở ngay từ những ngày đầu thai kỳ.
Tham khảo: Mang thai 3 tháng cuối
Nguyên nhân gây khó thở khi mang thai
- Khó thở khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao làm ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não, từ đó làm mẹ bầu khó thở hơn. Hơi thở cũng trở nên gấp gáp hơn.
- Trong một số trường hợp thiếu máu khi mang thai do thiếu sắt nhưng không được điều trị kịp thời cũng có thể làm mẹ bầu gặp khó khăn trong việc hít thở.
- Ngoài ra, tình trạng khó thở khi mang thai cũng có thể do sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi càng phát triển, tử cung càng mở rộng sẽ chèn ép làm hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, làm mẹ bầu khó thở hơn.
Tham khảo: Sự phát triển thai nhi theo tuần
Mức độ nguy hiểm của chứng khó thở khi mang thai
Theo nghiên cứu, khó thở khi mang thai có thể xảy đến với 60-70% mẹ bầu. Hầu hết các trường hợp này đều không gây vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị khó thở kèm theo một số triệu chứng khác như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…. Đó có thể là “báo động” nguy cơ huyết áp thấp khi mang thai. Với những mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp, hen suyễn…, khó thở khi mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng rất nguy hiểm.
Khó thở khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe, mẹ bầu nên cẩn thận
- Khó thở kéo dài khi mang thai kèm theo một vài triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhịp thở nhanh, đau ngực, hoặc đau khi ho, thở… có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị kịp thời.
Tham khảo: Những điều cần biết khi mang thai
Cách khắc phục tình trạng khó thở khi mang thai
Sự thay đổi hormone là nguyên nhân chính của tình trạng khó thở khi mang thai. Vì vậy, mẹ bầu không thể làm gì để tình trạng này biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể tìm cách giảm bớt sự khó chịu do những cơn khó thở mang lại. Huggies mách mẹ một số cách giảm khó chịu rất hiệu quả nhé!
- Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng: Khi mang bầu, mẹ nên hạn chế làm việc nặng và nghỉ ngơi thường xuyên hơn, nhất là khi có biểu hiện khó thở.
- Thay đổi tư thế khi đứng, ngồi và nằm: Việc thay đổi tư thế phù hợp sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ thở hơn. Ví dụ, mẹ bầu nên giữ thẳng lưng khi ngồi hoặc đứng để phổi có khoảng không, từ đó tiếp nhận oxy dễ dàng hơn. Trong trường hợp mẹ bị khó thở khi nằm về đêm thì có thể chèn gối vào lưng và phần thân trên, tránh để thai nhi gây áp lực lên phổi. Theo What to expect, việc chọn tư thế nằm nghiêng sang trái để tử cung không đè lên động mạch cũng là cách giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng khó thở.
- Vận động nhẹ nhàng: Nếu thường xuyên bị khó thở khi mang bầu, mẹ nên thực hiện các bài tập thở hoặc vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga… giúp điều hòa nhịp tim, cải thiện nhịp thở.
- Thở bằng bụng thay vì ngực: Độ sâu của hơi thở rất quan trọng trong việc khiến mẹ cảm thấy thoải mái hay không. Khi cảm thấy khó thở, mẹ bầu có thể thử cách hít thở dưới đây:
- Nằm ngửa, thư giãn, tay đặt trên bụng
- Bắt đầu hít vào bằng mũi, phình bụng sao cho tay mẹ có thể cảm nhận được chuyển động này.
- Hít vào cho đến khi cảm thấy phổi và bụng đã đầy không khí.
- Giữ lại vài giây.
- Nhẹ nhàng thở ra bằng miệng cho đến khi cảm thấy bụng và phổi đã trống.
- Lặp lại việc này trong 5-10 phút.
- Thở bằng miệng: Một cách thở hữu ích khác dành cho các mẹ bầu đang gặp vấn đề trong chuyện hít thở là thở bằng miệng. Cách thở này giúp mẹ lấy được nhiều oxy, đồng thời thư giãn và thoải mái, giảm được rất nhiều cảm giác căng thẳng và mệt mỏi. Đây là cách thở mà mẹ có thể áp dụng khi đang đi làm. Các bước thở bằng miệng như sau:
- Ngồi ở tư thế thoải mái, thư giãn các cơ ở cổ và vai.
- Ép hai môi lại với nhau và chỉ chừa một khoảng nhỏ chính giữa.
- Hít vào bằng mũi.
- Thở ra bằng miệng, trong lúc này, đếm từ 1-4.
- Sử dụng máy tạo oxy: Những biện pháp trên có thể giúp mẹ bầu dễ thở hơn, nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi tình trạng khó thở ở mức độ nhẹ. Nếu mẹ bầu bị khó thở nặng kèm theo những biểu hiện như tim đập nhanh, không đều; hồi hộp không rõ nguyên nhân; đánh trống ngực, đau tức ngực; tím tái; cảm thấy yếu dần khi tim đập nhanh; khó thở cả khi nghỉ ngơi, khi nằm, khó thở vào ban đêm… thì bên cạnh việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, mẹ bầu nên trang bị cho mình 1 chiếc máy tạo oxy. Máy tạo oxy là một thiết bị y tế, có khả năng mang đến nguồn oxy tinh khiết với nồng độ 90% trở lên. Có sự hỗ trợ của thiết bị này, mẹ bầu sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó thở.
- Chọn trang phục thoải mái: Mẹ nên chọn trang phục bầu rộng rãi, không bị bó buộc phần ngực để việc thở được thoải mái, dễ dàng hơn.
Tóm lại, khó thở khi mang thai tuy không quá nghiêm trọng nhưng mẹ bầu nên hết sức lưu ý những dấu hiệu bất thường kèm theo.
Nếu có những thắc mắc liên quan, mẹ có thể đặt câu hỏi tại Góc chuyên gia trên trang website huggies.com.vn, các chuyên gia Huggies sẽ nhanh chóng giúp mẹ giải đáp.
Bạn đã nghĩ ra tên cho bé nhà mình chưa? Cùng Huggies tham khảo cách đặt tên cho con nhé: