Đau lưng khi mang thai rất thường gặp. Với một số bà bầu, đau lưng chỉ thoáng qua và không gây khó chịu. Đối với một số bà bầu khác thì họ phải chịu những cơn đau dai dẳng và khó chịu.
Bà bầu trong giai đoạn mang thai hầu như đều bị đau lưng, tuỳ mức độ khác nhau mà thôi. Nhưng bạn không nên xem đó như là chuyện hiển nhiên và cố gắng chịu đựng. Đau thắt lưng hông có thể ảnh hưởng tâm trạng vui vẻ lúc mang thai của bạn cũng như ảnh hưởng sinh hoạt và công việc hằng ngày của bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách để làm giảm nhẹ thậm chí là giảm hoàn toàn những cơn đau lưng này.
Tham khảo: Đau bụng khi mang thai
Phần cột sống thường bị đau nhức nhất chính là phần hông lưng, nhất là vùng trên xương cùng. Đây là vùng mà đa số các bà bầu thường đặt tay đỡ khi di chuyển. Nếu trước khi có thai mà họ đã bị đau lưng vùng này thì khi mang thai sẽ bị nhiều hơn.
Mang thai làm tăng nguy cơ đau lưng dưới vì bà bầu bị thay đổi trọng tâm cơ thể. Để tránh cảm giác bị ngã chúi về trước, các bà bầu có xu hướng ngửa nhẹ ra sau, dẫn đến đau hông lưng.
Đau thắt lưng hông trong lúc mang thai sẽ ngày càng nhiều hơn về sau khi thai nhi lớn dần cũng như khi hoóc môn của bà bầu tăng dần.
Tham khảo: Đau bụng dưới khi mang thai
Đau thắt lưng hông lúc mang thai
Các bà bầu thường tả những cơn đau này như đè nặng hay làm căng cơ và dây chằng vùng lưng và sau đó lan toả ra mỗi khi di chuyển. Đau lưng khi mang thai hay đau thắt lưng hông thường làm giới hạn cử động của bà bầu vì mỗi lần chồm người ra trước thì rất đau.
Khoảng 50-80% bà bầu bị đau lưng khi mang thai. Một số người sẽ vẫn tiếp tục bị sau khi sinh bé.
Bà bầu có con đầu lòng mà bị đau lưng thì những lần mang thai sau khả năng bị sẽ cao hơn.
Tham khảo: Đau xương chậu khi mang thai
Tại sao bà bầu thường bị đau lưng?
Hoóc môn sinh ra lúc mang thai như Relaxin có ảnh hưởng đến các khớp và dây chằng của cơ thể. Relaxin là một hoóc môn quan trọng vì nó giúp khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho bé ra đời. Vùng chậu bao gồm cả cơ và dây chằng vùng lưng dưới lúc này thường không đủ mạnh để hỗ trợ nên đau là điều tất yếu.
Một số thay đổi khác
- Trọng lực cơ thể cũng thay đổi làm bà bầu có xu hướng chúi người ra trước.
- Tăng cân khi mang thai.
- Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến đau thắt lưng hông. Vì khi tăng hoóc môn gây căng thẳng, các cơ trong cơ thể không có cơ hội thư giãn, hồi phục và luôn trong tình trạng căng cứng. Dần dần, cơ sẽ mệt và lại căng hơn.
Tham khảo: Chăm sóc bà bầu
Bạn có thể làm gì để giảm đau?
- Đầu tiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những điều nên làm. Quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gây đau thắt lưng hông. Kiểm soát cơn đau giống như băng bó vết thương, bạn chỉ làm bớt đau chứ không thể biết được nguyên nhân đau từ đâu.
- Bạn nên kiểm soát cân nặng, không để lên cân quá nhiều. Kiểm tra chỉ số cơ thể và đảm bảo không tăng quá 10-12 kg trong suốt thai kì.
- Cố gắng giữ tư thế thẳng thóm khi đứng, đi hay ngồi. Tưởng tượng như có bóng đèn giữa ngực bạn chiếu sáng thẳng ra trước, đừng để đèn chiếu xuống đất.
- Giữ vai thẳng và ra sau nhưng cũng phải thoải mái. Một chiếc nịt ngực hỗ trợ cũng là ý hay.
- Tránh đứng yên quá lâu. Nếu cần đứng lâu, thỉnh thoảng di chuyển để khớp gối dễ chịu.
- Khi đứng, hai chân bạn nên cách xa một chút để tạo mặt chân đế rộng và vững.
- Khi ngồi làm việc với máy tính, nên đảm bảo ghế ngồi êm và phân bố trọng lượng của bạn đều khắp mông.
- Đứng dậy di chuyển thường xuyên, tránh ngồi lên tục hơn 30 phút. Khi bầu càng lớn, bạn sẽ cần điều chỉnh tư thế ngồi lẫn độ cao của ghế.
- Dùng một chiếc ghế thấp để gác chân khi bạn ngồi làm việc.
- Thường tập thể dục trong lúc mang thai. Đi bộ, bơi lội, yoga, thẩm mỹ đều là những cách tập tốt trước sinh. Nếu bạn cảm thấy môn thể thao bạn tập trước đây làm bạn không thoải mái, bạn có thể đổi môn khác.
- Bạn cũng nên lưu ý một số môn thể thao có thể gây đau nhiều hơn.
- Không nên xách vật nặng có thể làm căng cơ. Cúi người xuống hoặc vặn người có thể làm khớp vùng chậu và thắt lưng hông căng nhiều hơn.
- Nếu bạn cần nhặt vật gì dưới đất, bạn nên ngồi xuống nhặt chứ đừng cúi người. Dùng các cơ khoẻ ở chân để giúp bạn ngồi xuống và đứng lên lại. Và bạn nên vịn vào bàn ghế cạnh bạn để có thêm sức.
- Bạn nên mặc thêm các loại áo hỗ trợ như băng bụng, áo nịt hỗ trợ. Những loại này sẽ có ích cho vùng bụng trước phải chịu sức nặng của bé đồng thời hỗ trợ cột sống và cải thiện tư thế cho bạn. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh các loại băng bụng hiệu quả nhưng nhiều bà bầu thì cảm thấy nó hữu ích thật sự.
- Bạn nên tránh mang giày cao gót vì chúng sẽ làm ảnh hưởng dáng đi lẫn khiến bạn có xu hướng nghiêng người ra trước nhiều hơn tư thế bình thường. Tốt nhất là mang giày thấp và có hỗ trợ vòm chân.
- Đắp nóng hay lạnh có thể có ích cho việc giảm đau cột sống. Nhưng bạn nên hỏi bác sĩ xem loại nào mới phù hợp.
- Khi ngủ bạn không nên nằm ngửa và nằm đầu thấp mà nên nằm nghiêng, co gối và dùng gối ôm.
- Nằm nghiêng sang trái sẽ tốt cho tuần hoàn của bạn lẫn máu nuôi tới thai nhi.
- Tránh với cao lấy đồ mà nên dùng một chiếc ghế thấp để đứng lên lấy.
- Bạn cũng nên tham khảo các loại mát xa, vật lý trị liệu hay phương pháp thư giãn, bài tập giãn cơ cho bà bầu. Tìm cách làm cho vùng thắt lưng hông duỗi thẳng và đúng tư thể mà không cần căng cơ quá mức.
- Nên nghỉ ngơi và ngủ nhiều. Mỗi khi bạn ngủ, cơ thể được hồi phục và năng lượng được tái tạo. Sử dụng các kỹ thuật thư giãn để giúp bạn ngủ ngon nếu bạn khó ngủ.
- Bạn cũng nên kiểm tra xem tấm nệm bạn đang nằm có hỗ trợ tư thế ngủ của bạn không. Nếu nệm lún và không thể giữ cột sống bạn thẳng thớm thì bạn nên đổi tấm nệm khác. Hoặc bạn có thể đặt dưới nệm tấm gỗ phẳng để hỗ trợ.
- Thỉnh thoảng, một số bà bầu cần dùng đến thuốc giảm đau hoặc các loại kem giảm đau có kháng viêm và dĩ nhiên là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tham khảo: Những điều kiêng kỵ khi mang thai
Khi nào những cơn đau thực sự làm bạn lo lắng?
- Nếu bạn đau lưng liên tục không thể giảm đau.
- Đau ngày càng tăng làm bạn hết sức căng thẳng.
- Đau lưng kèm các triệu chứng khác như sốt, chảy máu âm đạo hoặc cảm giác bạn sẽ sinh sớm.
- Cảm giác đau buốt hay rát khi đi tiểu.
- Phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên hoặc thuốc giảm đau cũng không làm bạn dễ chịu được.
Tham khảo: Sự phát triển thai nhi theo tuần