Nhiều bà mẹ sau khi sinh con sinh thường gặp phải hiện tượng rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh cũng là một trong những vấn đề tâm lý mà đa phần các mẹ bỉm thường gặp phải. Vậy mẹ cần làm gì khi gặp vấn đề này? Mẹ hãy cùng tìm hiểu với Huggies qua bài viết dưới đây nhé!
Khi nào có kinh nguyệt trở lại sau sinh?
Phụ nữ có thể có kinh trở lại sau sinh con 6 tuần. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa, thể trạng và cho con bú của các mẹ khác nhau mà thời điểm kinh nguyệt trở lại sau sinh con cũng khác nhau. Thông thường:
- Với những mẹ không cho con bú hoặc cho con bú sữa công thức: Kinh nguyệt sẽ trở lại sau sinh trong khoảng từ 6 – 8 tuần sau sinh.
- Với những mẹ cho con bú trực tiếp: Kinh nguyệt sẽ trở lại muộn hơn. Tuy nhiên, rất khó xác định thời điểm kinh nguyệt trở lại với mẹ cho con bú. Thời điểm kinh nguyệt quay lại thường rơi vào khoảng từ 7 – 8 tháng sau sinh, hoặc 2 – 3 tháng, có trường hợp phải mất khoảng 8 – 10 tháng. Điều này hoàn toàn là bình thường.
Tham khảo: Sau khi sinh bao lâu thì có kinh trở lại?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì?
Hành trình mang thai và sinh con là một trong những “sự kiện lớn” đối với cơ thể của mẹ. Vì vậy, cơ thể của mẹ sẽ cần một thời gian nghỉ ngơi nhất định, điều này cũng sẽ tương tự với chu kỳ kinh nguyệt của mẹ.
Sau khi sinh con, kinh nguyệt của mẹ sẽ tạm vắng bóng một thời gian. Thay vào đó, sản dịch sẽ xuất hiện liên tục trong vòng 2 – 4 tuần sau sinh, đây là một loại dịch tiết từ âm đạo gần giống kinh nguyệt. Sản dịch sẽ có lượng ít dần đều và có chuyển đổi về màu sắc: hồng, nâu, vàng nhạt và rồi trở về màu trắng như khí hư bình thường. Thời gian tiết sản dịch cũng tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ. Việc xuất sản dịch là hoàn toàn bình thường, nhưng không có nghĩa là kinh nguyệt sẽ hoạt động trở lại như trước khi mẹ mang thai.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng qua thời điểm kinh nguyệt trở lại, nhưng mẹ vẫn gặp các vấn đề như: mất kinh, chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường, liều lượng và màu sắc máu kinh thay đổi,…
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Khi cho con bú trực tiếp, cơ thể mẹ sẽ sản sinh hormones prolactin, đây là một trong những hormones mang tính ức chế sự rụng trứng, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.
- Nội tiết tố thay đổi: Sau khi vừa sinh con, các hormones trong cơ thể mẹ chưa được cân bằng về trạng thái như trước khi mang thai, bao gồm các hormones estrogen và progestin. Đây là 2 hormones đóng vai trò quan trọng đảm bảo cho chu kỳ kinh nguyệt của mẹ diễn ra ổn định, bình thường.
- Áp lực, căng thẳng tâm lý: Tâm trạng căng thẳng khi phải thức đêm chăm bé cũng như những vấn đề liên quan đến sự phát triển của con trong những năm đầu tiên có thể gây mất cân bằng hormones cho mẹ. Từ đó, ảnh hưởng gián tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
- Tăng giảm cân: Thói quen ăn uống thay đổi do một phần các mẹ muốn nhanh chóng lấy lại dáng sau sinh cũng như một phần khác, các mẹ vẫn cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp nguồn sữa cho con. Rối loạn trong việc tăng giảm cân có thể gây thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt của mẹ không diễn ra bình thường.
- Mắc bệnh phụ khoa: Hành trình vượt cạn dù sinh thường hay sinh mổ cũng cần chăm sóc cẩn thận để phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa sau sinh cho mẹ. Nếu không tuân thủ vấn đề vệ sinh, sẽ rất dễ tạo cơ hội cho vi sinh vật tấn công và gây các bệnh phụ khoa cho mẹ, và biểu hiện thường gặp ở những mẹ mắc các bệnh phụ khoa chính là tình trạng kinh nguyệt bất thường.
Vì sao kinh nguyệt sau sinh ra nhiều?
Sau khi sinh con, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trở lại của mẹ có thể ra lượng máu nhiều hơn, ngày hành kinh cũng dài hơn trước khi mang thai, các dấu hiệu đi kèm như đau bụng cũng dữ dội hơn. Ở các chu kỳ tiếp theo, dấu hiệu có thể giảm bớt.
Có một số nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng này như u xơ dưới niêm mạc và Polip, Adenomyosis (sự dày lên của cơ tử cung sau mang thai), rối loạn tuyến giáp.. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sau sinh là tâm lý bất ổn ở mẹ và sự thay đổi nội tiết tố.
Tâm lý bất ổn sau sinh Sau khi sinh con, áp lực khi em bé ra đời thường thường khiến mẹ mệt mỏi vì thời khóa biểu của mẹ bị đảo lộn toàn bộ để thức cùng bé, chăm sóc bé. Thức đêm, ăn uống thất thường, mất ngủ, stress,...là những yếu tố chính dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Việc giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đủ chất, chia sẻ những khúc mắc tinh thần và công việc với người thân sẽ giúp bạn sớm có kinh và chu kỳ kinh đều đặn hơn.
Thay đổi nội tiết tố Sau thời gian mang thai, buồng trứng tạm thời nghỉ ngơi trong một thời gian dài, đây là thời điểm cơ thể người phụ nữ dần dần hồi phục. Trong khoảng thời gian này, khi cơ thể nói chung và hệ nội tiết nói riêng bắt đầu hoạt động lại và còn nhiều bất ổn, lượng hormone trong cơ thể sản xuất ra vẫn chưa cần bằng. Đó là yếu tố dẫn đến tình trạng kinh nguyệt bị rối loạn sau khi sinh.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà cũng lưu ý thêm:
Bạn không cần xử lý gì nhiều tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Sau vài ba chu kỳ bất ổn, kinh nguyệt sẽ tự động về bình thường. Vấn đề bạn cần lưu tâm là ngừa thai cho tốt để tránh tình trạng mang thai quá sớm trong thời kỳ hậu sản.
Mẹ cần đặc biệt lưu ý, trong trương hợp mẹ ra máu kinh với lượng nhiều và cần thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần, mẹ cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám vì có thể mẹ đang gặp hiện tượng băng huyết.
Tham khảo: Xuất huyết sau sinh như thế nào là bình thường
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có nguy hiểm không?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh, đôi khi là hiện tượng sinh lý bình thường, đặc biệt đối với các mẹ mang đa thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phụ khoa cũng như sức khỏe sinh sản tương lai của mẹ. Vì vậy, mẹ cần chú ý quan sát thể trạng của mình khi gặp trường hợp này, để có biện pháp kịp thời mẹ nhé!
Nên làm gì khi rối loạn kinh nguyệt sau sinh?
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe phụ khoa của mẹ do rối loạn kinh nguyệt sau sinh, mẹ hãy chăm sóc vệ sinh cơ thể thật cẩn thận như sau:
- Lau sạch vùng kín cẩn thận bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh.
- Thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần.
Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt kéo dài do áp lực sinh con và chăm sóc bé có thể ảnh hưởng đển tinh thần mẹ và sức khoẻ sinh sản về lâu dài. Do đó, mẹ nên dành thêm nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, đừng để mình quá căng thẳng. Mẹ hãy:
- Giữ tâm trạng thật thoải mái, hãy tâm sự với chồng và người thân về những căng thẳng mẹ đang gặp phải
- Sắp xếp cho mình một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,…
- Cân bằng ăn uống – nghỉ ngơi – luyện tập thể thao – làm việc hợp lý.
- Tập các bài tập yoga với cường độ phù hợp.
- Không sử dụng thuốc tránh thai.
- Bổ sung nội tiết tố estrogen trực tiếp.
Khi nào mẹ bị rối loạn kinh nguyệt nên đi khám bác sĩ?
Khi cơ thể gặp những biểu hiện bất thường sau, mẹ nên đi thăm khám bác sĩ phụ khoa ngay:
- Vòng kinh không tuân theo quy luật, tháng dài, tháng ngắn.
- Số ngày hành kinh có thể kéo dài trên 7 ngày hoặc ngắn hơn so với ngày hành kinh thông thường.
- Các triệu chứng tiền kinh hay hành kinh đổi khác: căng tức ngực, đau lưng, đau bụng,…
- Máu kinh thay đổi về màu sắc, số lượng và tính chất bất thường.
- Vùng kín ngứa ngáy khó chịu hoặc đau rát khi quan hệ trở lại sau sinh.
- Sau khi sinh được 2 năm mà kinh nguyệt vẫn chưa đều đặn.
- Kinh nguyệt xuất hiện trở lại nhưng sau đó lại mất kinh trong thời gian dài.
Tham khảo: Sa tử cung sau sinh
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho mẹ những thắc mắc liên quan về hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Để giúp mẹ có một sức khỏe trong giai đoạn thai kỳ, sinh bé và chăm sóc bé thật ổn định, mẹ đừng quên trang bị kiến thức vững chắc cho mình về các vấn đề sinh sản và phụ khoa tại Góc chuyên gia Huggies, mẹ nhé!