Tất cả các chuyên mục
Chuyển dạ
Sinh nở
Chăm sóc sau sinh
Trẻ sinh non
Sinh mổ
Sinh thường
Sinh đa thai
Câu chuyện sinh con

Tiền sản giật: sinh non ở tuần 28

Tiền sản giật: sinh non ở tuần thứ 28

Hôm tôi có thai nhi tuần 28, cũng là lần cuối cùng chúng tôi đến khám định kỳ mỗi tháng một lần ở chỗ chị nữ hộ sinh tên Mai. Từ đó trở đi chúng tôi dự định là cứ một tháng kiểm tra hai lần nhưng thật không ngờ mọi thứ lại đảo ngược hoàn toàn.

Tham khảo: Lịch khám thai 3 tháng cuối

Hôm đó, chị ấy đo huyết áp cho tôi rồi nói tôi lấy cho cô ấy một ít nước tiểu. Đây chỉ là lần kiểm tra định kỳ về lượng đường và chất đạm trong nước tiểu như mọi lần thôi. Nhưng trong lúc tôi ở nhà vệ sinh, chị ấy cho anh Bình biết là huyết áp của tôi cao bất thường và có khả năng đang có vấn đề gì đó.

Thỉnh thoảng tôi cũng hoang mang lỡ chỉ số lượng đường trên que thử sẽ đổi màu và lo lắng về việc mình sẽ mắc chứng tiểu đường trong thai kỳ. Kết quả chỉ số đường không thay đổi nhưng chỉ số chất đạm lại chuyển sang màu xanh lá cây. Tôi không rõ nó có ý nghĩa gì nhưng rõ ràng điều này không tốt chút nào. Tôi mang que thử cho chị Mai xem và chị ấy chỉ nói thầm “Vậy à!”. Sau đó chị đặt tôi ngồi xuống ghế rồi dùng hai ngón tay ấn vào khớp mắt cá chân đang bị sưng to của tôi. Lúc chị lấy tay ra hai vết lõm vẫn còn hằn nguyên.

Tham khảo: Tiểu đường thai kỳ

Chị lại đặt tôi nằm xuống giường để nghe nhịp tim của em bé và cảm nhận xung quanh. Chị bắt được nhịp tim của bé khá nhanh bởi chúng vẫn đập khỏe như mọi lần, nhưng khi nhìn kỹ bụng tôi thì chị ấy tỏ ra nghi ngại. Chị ấy hỏi tôi là thằng bé có di chuyển nhiều như trước không và có thấy nó lớn thêm chút nào kể từ lần khám trước không. Lúc tôi nói tôi thấy thằng nhóc lớn lên rõ ràng và cũng vẫn quẫy đạp thì chị Mai tỏ ra lo lắng. Chị ngồi xuống giường cạnh tôi mà trông chị khá suy tư. Rồi chị quay sang bảo vợ chồng tôi là bé Hùng không hề phát triển thêm tí nào kể từ tuần 24. Huyết áp của tôi cao một cách đáng lo ngại, lại còn có chất đạm trong nước tiểu và thậm chí là tôi đã bị phù (sưng do giữ chất lỏng). Những dấu hiệu đó đều cho thấy tôi có nguy cơ bị tiền sản giật do chứng máu độc (PET), nhưng để biết chắc chắn thì phải làm xét nghiệm máu đã. Chị cũng nói ngay là cho dù có bị tiền sản giật do máu độc hay không thì tôi cũng phải đến bệnh viện, nếu không sẽ rất dễ bị nguy hiểm đến anh bạn nhỏ trong bụng.

Tham khảo: Tiền sản giật

Chồng tôi đến bên giường và ôm tôi an ủi khi thấy tôi vừa xoa bụng vừa khóc. Tôi vẫn thấy mọi việc đều ổn, tôi vẫn khỏe. Tôi biết bé Hùng sẽ không thể bị bệnh được, làm sao mà bệnh được cơ chứ! Làm thế nào mà mẹ lại không biết con trai mình bị bệnh cơ chứ? Huyết áp của tôi cao đến mức đó thì lẽ ra tôi phải bị co giật hay chứng đau nửa đầu gì đó. Đằng này tôi chỉ bị sưng mắt cá chân, ngoài ra không còn dấu hiệu nào khác. Chẳng có cách nào giúp tôi biết được chuyện gì đang xảy ra.

Chị Mai nói với chúng tôi rằng tôi sẽ phải mổ lấy thai khẩn cấp ngay tối nay, bất kể ở bệnh viện nào. Rồi chị ấy gọi điện đến khoa sản của bệnh viện gần nhất để đặt chỗ cho tôi trong vòng 30 phút nữa. Trong lúc chị ấy gọi điện từ chối các khách hàng khác có lịch khám buổi chiều thì vợ chồng tôi chạy xe đến bệnh viện. Tôi phải gọi đến chỗ làm để báo với họ tôi không thể quay lại làm việc nhưng không nói rõ lý do. Tôi không thể diễn tả mạch lạc mọi chuyện đang diễn ra. Tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho tình huống này.

Tham khảo: Dấu hiệu sinh non

Chúng tôi chạy thẳng đến khoa sản của bệnh viện. Họ hướng dẫn chúng tôi vào phòng đã đặt trước đó, nói tôi nằm xuống và ráng giữ bình tĩnh – cả hai mẹ con tôi đều đang bị bệnh. Trời ạ, tôi sắp mất con mà họ bảo tôi bình tĩnh là sao?

Chị Mai đến sau chúng tôi chút xíu, trước khi vào gặp chúng tôi chị đã chuẩn bị một cuộc siêu âm để kiểm tra cho bé Hùng. Rồi chị lại đi sắp đặt vài việc khác trong khoa sản khi chúng tôi di chuyển tới phòng đợi siêu âm. Khi tới nơi họ nói chúng tôi phải đợi thêm chừng 30 – 45’ nữa vì máy siêu âm đang bận dùng. Thiệt tình là tôi phải kiềm chế dữ lắm để không khóc. Họ hối thúc tôi đi siêu âm rồi lại bắt tôi ngồi đợi. Lúc đó tôi cảm thấy quá căng thẳng nên đã bật khóc.

Chúng tôi quay lại phòng của mình thì mẹ chồng tôi cũng vừa đến. Mấy cô y tá đeo máy đo huyết áp vào tay tôi rồi chị Mai mới trở lại và giải thích chuyện gì đang xảy ra. Họ cần phải kiểm tra máu của tôi trước để xét nghiệm mọi thứ. Tôi lúc đó gần như bị hoảng loạn. Huyết áp của tôi tăng cao chưa từng thấy nên y tá phải cho tôi một viên thuốc hạ áp. Nhưng rốt cuộc nó chẳng làm thay đổi được gì.

Ngay lúc đó chị Mai nói phải ra ngoài làm một số việc và cũng là để cho tôi thêm thời gian trấn tĩnh và suy nghĩ về những việc mình muốn làm.

Khi chị ấy quay lại, chị bảo mới có một ý này. Họ sẽ tiêm một ống nhỏ vào cánh tay của tôi để lấy máu, đưa tôi thuốc mê nếu cần và tôi không cần phải chứng kiến điều gì cả. Chị Mai biết tôi nên đã gọi cho bác sĩ gây mê để báo trước về cơn hoảng loạn. Ông ấy nói sẽ đến và đặt ống chích khi có sự đồng ý của tôi.

Trong lúc đó thì y tá liên hệ với phòng chụp X–quang. Họ vẫn từ chối làm xét nghiệm cho tôi cho đến khi huyết áp của tôi hạ thấp và ổn định. Tôi thật không tưởng tượng nổi, làm sao họ có thể từ chối làm xét nghiệm cho đứa con bé nhỏ của tôi? Lúc đó tôi thực sự nổi giận khiến cho huyết áp tăng cao trở lại.

Sau khi dùng viên thuốc hạ áp khác, chị Mai đi lòng vòng rồi nhắn với bác sĩ gây mê tên Việt là chờ ở đây đến khi tôi đồng ý thì đưa ống tiêm vào. Lúc tôi nói để tôi đi vào nhà vệ sinh cái đã, mọi người cùng cảm thấy thoải mái hơn nhưng không ai biết là tôi sẽ khóa trái cửa và nhốt mình ở trỏng. Sau khi đi tiểu xong, tôi nhìn mình trong gương và suy nghĩ mông lung. Tôi tự hỏi liệu nếu mình mở cửa đi ra ngoài thì mình có mất con không, tôi phải gắn ống tiêm vào người. Tôi chỉ muốn cho chuyện này đừng xảy ra. Sau một hồi, tôi trấn tĩnh được và tự khuyên mình nên mở cửa bước ra ngoài.

Sau khi bác sĩ Việt gắn ống tiêm vào tay tôi, họ băng bó tay tôi lại, chỉ để lòi ra mấy đầu ngón tay. Tôi ngồi từ từ dậy và dựa lưng vào gối. Không ai nói gì với tôi cho đến khi họ lấy đủ lượng máu cần thiết để làm kiểm tra.

Sau 4 viên thuốc hạ áp và truyền thuốc huyết áp thông qua ống dẫn thì tôi đã bình thường trở lại, huyết áp cân bằng đủ để làm xét nghiệm. Chị Mai đẩy chiếc xe lăn tới và đưa tôi đi, lần này tôi được đưa tới phòng xét nghiệm nhanh chóng.

Khi làm kiểm tra, anh chàng trẻ tuổi đứng ở máy chụp đang đọc các số liệu về kích cỡ của bé Hùng để biết chính xác bé nhỏ cỡ nào. Anh chàng trông rất lo lắng và buột miệng nói câu gì đó giống như “Không thể nào!” Lúc đó chị Mai cũng bước vào và nhìn kết quả qua vai của anh ta, mặt chỉ cũng y chang. Anh này đi ra và tìm cấp trên của ảnh để kiểm tra kết quả xét nghiệm và mặt ông ta cũng nghiêm trọng y chang mấy người đó. Lúc đó chị Mai giải thích tại sao chúng tôi phải làm xét nghiệm và trông họ có vẻ bớt căng thẳng hơn. Sau khi về đến phòng và bác sĩ hướng dẫn sản khoa đến tìm chúng tôi.

Họ nhìn qua bản ghi kết quả xét nghiệm của tôi, thông tin về em bé, chỉ số huyết áp và các kết quả từ xét nghiệm máu. Mọi người đều đồng ý rằng tôi cần mổ lấy thai gấp nhưng hy vọng có thể đợi thêm thời gian để đưa tôi lên bệnh viện chuyên khoa sản Từ Dũ trên Sài Gòn. Ở đây không đủ thiết bị chăm sóc em bé trẻ sinh non. Bác sĩ hướng dẫn cũng muốn trao đổi với tôi để tiêm một mũi steroid nhằm hỗ trợ phổi cho em bé trước khi sinh. Dự kiến sau 12 tiếng tiêm mũi đầu tiên, tôi được tiêm thêm một mũi nữa rồi 12 tiếng sau mới tiến hành mổ lấy thai. Nghe thấy vậy tôi hơi bối rối, họ biết cảm giác của tôi nên hứa là không tiêm nhiều đâu, chỉ giống như dùng ống tiêm nhỏ như hồi nãy. Họ hứa là mọi việc sẽ ổn! Bác sĩ hướng dẫn giải thích mũi tiêm này cần được tiêm vào chân hoặc cơ mông để dung dịch steroid có thể được truyền đến phổi em bé.

Khi bác sĩ hướng dẫn đi ra thì chị Mai nói cô ấy lấy steroid cho tôi. Tôi quay sang nhìn chị Mai mà hổn hển “Chị nói là không cần làm thêm gì mà!” thì chị ấy trả lời “Chị biết nhưng việc này cần thiết lắm!”

Trong khi mọi chuyện đang diễn ra thì người tôi vẫn gắn với màn hình quan sát nhịp tim của bé Hùng. Chị Mai và một y tá khác liên tục in các kết quả và mang ra ngoài cho một ai đó kiểm tra, tôi đoán là cho bác sĩ hướng dẫn. Bé Hùng có thể hơi nhỏ ký nhưng vào thời điểm đó thì tim thai vẫn khỏe mạnh bình thường.

Lúc đó xe của bệnh viện Từ Dũ sắp tới nơi để đưa tôi đi. Họ có đủ điều kiện chăm sóc cho bé Hùng. Tôi vẫn muốn sinh con ở bệnh viện gần nhà, là bệnh viện gia đình tôi vẫn thường sử dụng, nhưng phòng chăm sóc trẻ sơ sinh ở đây đóng cửa mất rồi nên không thể làm gì được.

Đến chiều muộn thì tự nhiên tôi để ý thấy bác sĩ hướng dẫn cầm bản in kết quả lên xem lột lúc. Không lâu sau thì cô ấy và chị Mai cùng đi vào phòng. Chị Mai ngồi xuống rồi cầm lấy tay tôi, còn bác sĩ hướng dẫn cũng đến và ngồi phía bên phải cạnh tôi. Họ nói đã xem chỉ số nhịp tim của bé Hùng và thằng bé đang có dấu hiệu bất thường. Nhịp tim bắt đầu chậm hẳn so với biểu đồ, sau đó có nhanh hơn được chút xíu nhưng rồi lại bị tụt lại nữa. Không thể trì hoãn việc mổ lấy thai nữa, thằng bé cần sự giúp đỡ càng sớm càng tốt và họ cũng báo rằng phòng chăm sóc trẻ sơ sinh của bệnh viện cũng đã đồng ý nhận bé Hùng. Họ đang mở cửa trở lại và bé Hùng sẽ là đứa bé đầu tiên của họ.

Xe của Từ Dũ đến lúc khoảng 9 giờ tối nhưng mọi thứ đã được tiến hành rồi. Lúc đó tôi đã được gây mê còn anh Bình lại không được phép vào phòng mổ nên anh quay lại phòng chờ cùng cha mẹ anh. Chị Mai ở lại cùng tôi, chị luôn nắm chặt tay tôi trong khi tôi ngủ và đến khoảng 9 giờ 39’ tối hôm đó thì bé Hùng đã chào đời. Nó chỉ dài 33 cm và nặng chưa đầy một ký.

Bé Hùng được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khỏe. Khi bé được chuẩn bị để đưa về bệnh viện Từ Dũ, tôi phải ráng rướn người ra khỏi giường để nhìn mặt con trước khi nó đi. Tuy nhiên cái lồng ấp quá to còn con lại quá nhỏ nên tôi không nhìn thấy gì cả. Lúc đầu, chúng tôi dự định là chồng tôi sẽ theo con lên Từ Dũ trước. Nhưng tình hình sức khỏe của tôi tệ đến mức họ phải để anh ấy ở lại với tôi.

Vào ngày 13 tháng Năm, tức là sau khi nằm nghỉ và điều trị hoàn toàn trên giường trong vòng hai ngày, tôi khỏe lên và được phép chuyển lên Từ Dũ. Huyết áp của tôi cuối cùng cũng chịu ổn định lại và các vết phù sau khi mổ đã xẹp xuống khiến mọi người đều cảm thấy yên tâm hơn khi di chuyển tôi. Tôi và anh Bình ngay lập tức đón taxi lên Từ Dũ với con trai hai ngày tuổi đang ở đó.

Bé Hùng còn phải ở trong lồng ấp của bệnh viện Từ Dũ một tháng. Trong lúc đó, bé con sống hoàn toàn phụ thuộc vào một lồng ấp ẩm, bởi lẽ một cậu bé sinh non tới 12 tuần không thể điều chỉnh thân nhiệt, trong khi phổi và da lại rất cần độ ẩm. Cậu bé phải đối phó với bệnh cao đường huyết, rồi hạ đường huyết, rồi đèn tia cực tím trị thiếu máu, rồi truyền máu và nhiều thứ khác nữa. Ngoài ra, bé lại sinh quá sớm nên bị bệnh phổi mãn tính và cần máy hỗ trợ để thở. Sau một tuần thì cậu nhóc được chuyển sang máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), điều này có nghĩa là cậu nhóc đã tự thở được nhưng oxy liên tục thông qua ngạnh mũi.

Cũng có lúc phổi bé bị suy kiệt và phải quay trở lại máy thở nhưng chỉ vài ngày thôi. Ban đầu cơ thể của cậu nhóc không tiếp nhận được bất cứ dạng thức ăn nào nên người ta phải cho cậu ăn bằng cách truyền dịch dinh dưỡng. Khi được bảy ngày tuổi, cậu nhóc được cho uống sữa mẹ, lúc đầu chỉ cho uống chừng 1 ml và bốn tiếng một lần, sau đó tăng dần số lượng và số lần uống lên. Sau một tháng vợ chồng tôi lay lắt chăm con ở Từ Dũ, chúng tôi được chuyển trở về khu chăm sóc trẻ sơ sinhđặc biệt của bệnh viện gần nhà. Chúng tôi mất hai tháng ở đó. Đó là nơi mà bé Hùng có những trải nghiệm “đầu tiên”. Cu cậu được bước ra khỏi lồng ấp, thay vì chỉ được mặc tã thì bữa nay đã có thể mặc quần áo đàng hoàng. Cậu bé cũng lần đầu tiên được tắm ở đây. Học cách uống nước từ chai, giảm lượng oxy hỗ trợ bằng máy (dùng ống chạy dưới mũi nhưng không có ngạnh), và cũng lần đầu tiên được đưa đi bằng xe đẩy, mặc dù chỉ để viết tên trong một chút xíu rồi về. Trước khi được cho phép về nhà vào tháng 8, bé Hùng phải quay lại Từ Dũ để làm phẫu thuật chứng sa ruột thường gặp ở các bé trai sinh non.

Một tuần trước giáng sinh năm 2005, bé Hùng cuối cùng đã có thể tự thở được, mất bảy tháng ròng rã. Bây giờ không cần phải giữ ống cho ngay ngắn nữa, bé đã có thể bỏ nó ra, cứ như một cuộc chiến vậy.

Vào ngày 11 tháng Năm năm nay là sinh nhật lần thứ ba của Hùng rồi. Cu cậu đã vượt qua mọi thứ, bây giờ trông như không hề có chuyện gì xảy ra vậy đó. Ngoại trừ việc cần hỗ trợ lượng lớn oxy lức mới sinh, còn thì cu cậu chẳng có dấu hiệu gì đáng lo ngại cả. Bây giờ được 12 ký thì cũng hơi nhỏ so với tuổi nhưng cậu bé khá là kháu khỉnh và làm việc gì cũng nhanh nhẹn. Hùng càng lớn càng sôi nổi, nói nhiều, tràn đầy năng lượng, là một cậu nhỏ đáng yêu mặc cho mọi chuyện đã xảy ra và chúng tôi không phải thay đổi điều gì! Tôi khá là tự hào về cậu nhóc.

Những y bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ lẫn bệnh viện gần nhà tôi đã làm được một việc không tưởng. Trong suốt quãng thời gian căng thẳng ấy, họ đã làm việc đầy tính trách nhiệm và đã cứu sống thiên thần của tôi. Chúng tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến họ!

Để bé yêu luôn khoẻ mạnh, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

 

 

EmptyView

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

;