MỤC LỤC BÀI VIẾT
Cho bé bú sữa mẹ là một hoạt động thiêng liêng và cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bé trong những năm đầu đời. Đây là một kỹ năng bản năng của người mẹ và bé nhưng không ít các mẹ gặp phải những khó khăn khi cho con bú. Vậy đâu là cách cho con bú đúng cách? Có những lưu ý khi về tư thế cho bé bú? Cùng Huggies tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Vì sao cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu?
Hẳn các mẹ thường nghe sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chuyên gia giải thích rằng trong sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé từ chất đạm, chất béo và khoáng chất. Bên cạnh đó, sữa mẹ không chứa các thành phần protein lạ nên dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. và sẽ đặc biệt không gây dị ứng cho trẻ. Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giúp trẻ lớn nhanh, lớn đều, giảm thiểu nguy cơ thừa cân hoặc suy dinh dưỡng và có một sức đề kháng tốt hơn so với các bé sử dụng sữa ngoài.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, nguồn sữa non đầu đời rất giàu chất dinh dưỡng, vì thế mẹ nên cho trẻ bú ngay sau khi sinh. Điều này cũng hỗ trợ giúp cơ thể người mẹ kích thích sản sinh sữa tốt hơn. Theo các bác sĩ chuyên khoa mẹ và bé, việc cho bé bú không đúng cách có thể gây khó chịu cho bé và cả bản thân mẹ. Bé sẽ quấy khóc, và không bú được sữa nhiều, trong khi mẹ có thể bị căng sữa, đau rát đầu vú và sẽ dẫn đến mất sữa nếu tình trạng này kéo dài.
Chính vì vậy, mẹ nên tập cho bé bú đúng tư thế để cả mẹ và con cùng được thoải mái, tránh tối đa được sự căng thẳng và tình trạng thiếu sữa, tắc tia sữa khi cho con bú.
Những hậu quả ngậm bắt vú sai các mẹ cần lưu ý
Mẹ cần đặt biệt để ý đến cách bé ngậm núm vú vì đa phần bé bú chưa đúng cách là do cách ngậm núm vú sai. Khi bé ngậm sai vú khi bú sẽ gặp phải một số vấn đề sau:
- Trẻ ngậm bắt vú sai sẽ gây đau hay tổn thương núm vú của mẹ, gây cảm giác căng thẳng khi cho con bú.
- Trẻ không bú được, làm sữa bị ứ, tắc có thể gây cương tức vú, tắc tia sữa, gây đau đớn cho mẹ
- Bầu vú ứ đọng sữa có thể làm giảm và ức chế việc tạo sữa;
- Trẻ không bú đủ nên hay quấy khóc, thường xuyên đòi bú và kéo dài thời gian bú.
- Trẻ chậm tăng cân do không được bú no sữa mẹ. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cân nặng của bé, gây sự hiểu nhầm về chất lượng sữa của mẹ.
- Tâm lý căng thẳng, lo lắng khi cho bé bú làm ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa của mẹ, là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng sữa của mẹ.
Cách nhận biết bé ngậm bắt vú đúng
Để biết con có đang ngậm vú đúng cách hay không, các mẹ có thể quan sát các dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú đúng như sau:
- Miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu quầng vú và cả các mô ở phía dưới vì đa phần các ống dẫn sữa lớn nằm trong các mô ở phía dưới quầng vú;
- Cằm của bé chạm vào vú mẹ
- Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài
- Quầng vú phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới
- Lưỡi bé chìa ra ngoài, nằm trên môi dưới và dưới núm vú
- Miệng và lưỡi của bé không cọ xát vào da vú và núm vú, không gây tổn thương vùng da và núm vú của mẹ.
Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp mẹ cho bé bú đúng cách dễ dàng ngay từ những ngày đầu:
Tham khảo: Làm sao để nhiều sữa cho con bú
1. Hãy cho em bé bú sữa mẹ đúng cách càng sớm càng tốt– tốt nhất là ngay sau khi bé ra đời nếu mẹ và bé đủ khỏe.
2. Hãy nhờ bác sĩ hoặc người có kinh nghiệm chỉ dẫn mẹ cách cho bé bú sữa mẹ đúng cách – nếu mẹ thấy đau trong quá trình cho bé bú thì chắc chắn là không ổn. Đau chút ít lúc ban đầu thì khá bình thường, nhưng đau ngày càng tăng thì không thể chủ quan. Mẹ nên nhờ các cô hộ sinh ở bệnh viện hướng dẫn giúp mẹ cách cho bé bú mẹ đúng cách để không bị đau. Cho dù mẹ có dùng thuốc nước hay thoa kem lên đầu vú thì cũng không thay đổi được gì, nếu nguyên nhân gây đau đớn là vì mẹ cho con bú sai tư thế.
Tham khảo: Cho bé bú đúng cách
3. Hãy giữ em bé ở sát bên mẹ, để cho bé bú mẹ đúng cách để cho bé nép vào mẹ, và cho da mẹ và da bé chạm vào nhau. Nằm như thế sẽ khiến em bé cảm thấy yên tâm, dễ chịu, và cũng giúp mẹ dễ dàng nhận biết kịp thời khi nào bé đói.
4. Thường thì bé sẽ bú sữa rất thường xuyên trong những ngày đầu. Cách cho bé bú sữa mẹ đúng là đừng cố ép bé nghỉ một quãng thời gian cố định giữa những lần bú sữa.
Tham khảo: Trẻ sơ sinh bú ít phải làm sao
5. Hãy cho bé bú sữa mẹ đúng cách cả hai bầu sữa mỗi lần. Dù bé chỉ thích có một bên thì hãy vẫn cứ mời bé đầy đủ cả hai bình sữa nhé!
6. Hãy nhớ rằng cách cho bé bú sữa mẹ đúng cách là một quá trình mà cả mẹ lẫn em bé đều phải học, và sẽ phải mất một thời gian nhất định để cả hai cảm thấy quen và tự nhiên với việc này. Mọi chuyện sẽ dần tốt lên, chứ không phải luôn khó khăn như những ngày đầu.
7. Kinh nghiệm quan trọng trong cách cho bé bú sữa mẹ là: tuyệt đối không được cho bé ngậm bình bú trong khi đang tập cho bé làm quen với việc bú mẹ, dù là bình chứa thức uống gì trong đó. Cho dù mẹ có định dùng bình bú về sau, thì việc cho bé làm quen với bình vào lúc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc luyện tập “kỹ năng” bú mẹ của bé.
8. Mẹ bỗng nhiên bị đau ngực sau một quãng thời gian cho con bú không hề hấn gì? Có thể đây là ảnh hưởng của chứng tưa lưỡi của em bé lên đầu núm vú của mẹ. Cả mẹ và em bé đều cần được chữa trị.
Tham khảo: Đau đầu ti khi cho con bú
9. Lúc cho bé bú, mẹ đừng để ý tới thời gian. Thời gian em bé bú không thể hiện được liệu bé bú có tốt không, và không liên quan đến lượng sữa mà em bé ti được. Một số em bé chỉ cần bú trong vòng vài phút là đã đủ, trong khi các bé khác thì cần nhiều thời gian hơn hẳn. Đa phần các bé thường có các khoảng nghỉ trong khi bú, và khoảng nghỉ này của các bé cũng rất khác nhau.
10. Nếu bú mất cả tiếng, thậm chí lâu hơn, khiến em bé rất bực bội, khó chịu thì rõ ràng là một dấu hiệu không tốt. Hãy kiểm tra lại tư thế để bảo đảm rằng bé có thể bú mẹ đúng cách được tốt hơn.
11. Hãy thường xuyên thay miếng lót thấm sữa. Vi khuẩn rất dễ sinh sôi nảy nở trong những miếng thấm ẩm ướt.
12. Khi muốn dừng bé, hãy nhẹ nhàng luồn ngón tay vào trong góc miệng và gỡ miệng bé khỏi núm vú rồi nhấc bé ra.
13. Hãy vắt một chút sữa, xoa đều lên hai núm vú và mát-xa chúng nhẹ nhàng. Sau đó, để núm vú khô tự nhiên giữa không khí nếu thuận tiện.
6 tháng đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh. Việc cho con bú sữa mẹ xuyên suốt trong 6 tháng ngay sau khi được sinh sẽ là một nền tảng tốt cho sự phát triển của con sau này. Huggies mong rằng bài viết trên phần nào hỗ trợ mẹ trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu còn những thắc mắc, mẹ cũng đừng quên tham khảo chuyên mục Chăm sóc bé cũng như Góc chuyên gia Huggies để tìm hiểu thêm thông tin về quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con yêu.